NHỮNG MÓN ĂN CÓ LỢI CHO TRẺ MÙA NẮNG NÓNG
Thứ ba - 04/12/2018 15:25
NHỮNG MÓN ĂN CÓ LỢI CHO TRẺ MÙA NẮNG NÓNG
Mùa nắng nóng, trẻ em dễ bị thiếu nước, ăn uống không ngon miệng. Vì thế, thời điểm này cần chọn một số món ăn, thức uống hai trong một: thanh nhiệt và kích thích vị giác. Bác sĩ Hà Thị Hồng Linh BV Y học cổ truyền TP.HCM khuyên nên tăng cường nhóm rau thanh nhiệt mùa nóng qua các món: canh cua rau đay, mồng tơi, canh bí hầm xương, canh bầu nấu tôm, canh mướp và các loại rau cải… Những món này dễ tiêu hóa lại có nhiều chất xơ giúp trẻ nhuận tràng, da dẻ không thô ráp… Để tăng cường độ… giải nhiệt, sức đề kháng cho bé, các món canh này không nên nêm mặn để bé ăn được nhiều hơn và thận cũng không phải làm việc nặng nhọc. Mùa hè nên cho trẻ ăn nhiều rau, quả. Ảnh: SS Trong những ngày hè oi bức, nên tận dụng các món cháo vì dễ ăn, dễ tiêu và cung cấp nhiều nước. Nên nấu cháo theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng, tức là nấu kèm rau, củ. Chẳng hạn như món cháo tim cật nấu với cà rốt, khoai tây; cháo kê hầm ức gà nêm dầu gấc; cháo bồ câu đậu xanh; cháo tôm nấu với đậu hủ, nấm rơm; cháo thịt bò nấu với cà rốt, đậu bo; cháo cua đồng nấu với nấm rơm… Không nên cho bé ăn đồ chiên xào vì các món này tuy nhiều năng lượng nhưng khó tiêu hóa khiến các bé dễ bỏ các bữa sau. Trời nắng nóng, các bé dễ bị nổi rôm sảy, ngứa ngáy khó chịu, vì thế bữa sẽ cần cho ăn các loại trái cây thanh nhiệt, nhiều nước, vị chua ngọt nhằm kích thích tiêu hóa cho bữa chính sắp đến như: thanh long, nước dừa (chỉ cho bé uống nước, không cho ăn cái vì khó tiêu hóa), dưa hấu (theo Đông y có tác dụng giải khát, giảm say nắng, lợi tiểu…), cam vừa bổ vừa có nhiều khoáng chất giúp cơ thể khỏe hơn, bưởi (giúp ăn ngon miệng)… Tránh cho bé ăn các loại hoa quả ngọt như: sầu riêng, mít vì chúng chứa nhiều năng lượng dễ sinh mụn nhọt, rôm sảy và gây “no ngang”. Nên cho trẻ uống nhiều nước vào mùa hè.Ảnh: SS Các loại bánh được làm với nước cốt dừa, bơ cũng nên hạn chế. Nếu bé thích ăn kem, nên chọn các loại kem làm từ trái cây thiên nhiên như: chanh dây, dâu, cam sữa tươi, thơm, chuối… thay cho các loại kem làm từ hương liệu và đường. Mùa nắng nóng, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi nên rất dễ dẫn đến thiếu nước. Uống nước ít hơn nhu cầu là một trong những nguyên nhân làm cho cơ thể suy yếu, vì vậy cần tăng cường cho bé uống nước, nhất là các loại nước uống giàu dinh dưỡng như nước ép trái cây, nước sâm, nước rong biển, rau má, nước rễ tranh, sắn dây, mía lau… Tuy nhiên, những loại nước này nên tự làm ở nhà và chỉ làm vừa đủ uống, dùng ngay sau khi làm để đảm bảo vệ sinh, và không nên cho bé dùng nước lạnh. Trong trường hợp rôm sảy “ngoan cố” không chịu từ bỏ, hãy làm theo kinh nghiệm dân gian là cho bé tắm nước khổ qua (giã nhỏ khổ qua, lược lấy nước cốt pha nước tắm). Sau vài lần tắm, rôm sảy tự… rút quân! Để trẻ không bị rôm sảy trong mùa nắng nóng Bệnh mùa nóng: Chảy máu cam